Hoa Lan Ý là một trong những loại cây trồng trong nhà được biết đến với công dụng để làm đẹp, cải thiện chất lượng không khí và phong thủy.
Nhưng Lan Ý cũng là cây có độc nên để trong nhà có tốt không? Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về cây lan ý, tác dụng, cách chăm sóc cây, v/v.
Thông tin cơ bản về Hoa Lan Ý

Hoa lan ý (còn được gọi là cây bạch môn, cây vỹ hoa trắng hoặc cây huệ hòa bình) là một chi có khoảng 40 loài thực vật có hoa một lá mầm thuộc họ Ráy.
Tên khoa học: | Spathyphillum |
Tên thường gọi: | Cây lan ý, Bạch môn, Vỹ hoa trắng, Huệ hòa bình. Tên tiếng Anh: Mauna Loa Peace Lily, Peace Lily, Spathe Flower, White Sails (1) |
Phân họ thực vật | Ráy (Araceae) |
Nguồn gốc | Châu Mỹ và Đông Nam Á |
Những đặc điểm của Cây Hoa Lan Ý:
- Thân, tán, lá. Lan ý là cây thân thảo, mọc thành bụi. Lá cây mọc tập trung trên mặt đất, lớn, dạng thuôn nhọn hai đầu, mép hơi nhăn nheo, cuống dài có bẹ làm thành thân giả. Lá màu xanh đậm mặt trên, màu nhạt ở mặt dưới, nổi bật gân mảnh.
- Hoa, quả, hạt. Hoa cây Lan Ý dạng mo nhỏ trên cuống chung mập, mo màu trắng. Cụm hoa mang hoa thưa hình bán cầu, thẳng. Quả mọng.
- Sinh lý, sinh thái. Cây lan ý sinh trưởng nhanh, thích hợp với ánh sáng bán phần, ưa khí hậu mát ẩm.
Cây Lan Ý có độc không
Theo một số nghiên cứu thì cây lan ý có độc tính đối với người và các động vật khác khi ăn phải. Cây có chứa các tinh thể canxi oxalat, có thể gây kích ứng da, cảm giác nóng trong miệng, khó nuốt và buồn nôn.
Do đó, cây lan ý trồng trong nhà, văn phòng cần để ngoài tầm với của trẻ nhỏ và thú cưng.
Tham khảo: Cây Hồng Môn trồng trong nhà được không?,
Ý nghĩa của cây hoa lan ý
Cây Hoa Lan Ý là một trong những cây trồng trong để làm đẹp nội thất, tạo không khí trong lành và ý nghĩa phong thủy.
- Về thẩm mỹ. Không gian nhà ở, văn phòng ngày càng thu hẹp. Để cây như lan ý đẹp trong nhà, vừa dễ chăm sóc còn làm cho không gian nội thất nhà thêm đẹp và thoải mái hơn.
- Về môi trường. Nghiên cứu không khí sạch của NASA cho thấy Lan Ý thuộc chi Spathiphyllum có khả năng làm sạch không khí trong nhà khỏi một số chất gây ô nhiễm môi trường, bao gồm benzen và formaldehyde. Nên, trồng cây lan ý cũng là một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng không khí trong nhà bạn.
- Về phong thủy. Theo quan niềm dân gian, cây hoa lan ý tượng trưng cho sự bình yên, nên trồng cây lan ý trong nhà giúp gia đình hòa thuận, may mắn cho gia chủ.
Cách chăm cây hoa lan ý

Bằng cách chú trọng đến nhu cầu về lượng nước, đất, ánh sáng và dinh dưỡng của cây, bạn có thể tận hưởng những lợi ích mà loài hoa lan ý này đem lại.
1. Cây lan ý nên đặt ở đâu thì tốt
Lan ý là cây trồng trong nhà. Bạn có thể đặt cây ở phòng khách, phòng làm việc, phòng ngủ hay ở sân vườn, nơi có ánh sáng gián tiếp.
Cửa sổ phòng ở hướng bắc hoặc hướng nam là tốt nhất do không chịu ánh nắng trực tiếp từ mặt trời suốt ngày. Bạn cố gắng không để cây phải hứng không khí lạnh hoặc quá nhiều nắng, vì khi đó cây có thể trở nên èo uột và cho ra những chiếc lá nâu héo úa.
Ngoài ra, lan ý cũng có thể được trồng ở sân vườn ngoài trời ở những nơi có khí hậu ấm áp.
2. Tưới nước đúng cách
Cây lan ý không phải là loại cây ưa nhiều nước nên không cần tưới quá nhiều nước cho cây.
Bạn nên duy trì độ ẩm cho đất và khi thấy đất trồng cây có vẻ khô thì hãy tưới nước cho cây. Thiếu nước sẽ khiến cây héo úa và chết.
Tuy nhiên, quá nhiều nước có thể gây nên tình trạng thối rễ, cũng có thể làm chết cây. Bạn chú ý tưới nước mỗi tuần một lần khi đất đã khô. Thậm chí, có người còn khuyên là nên để cây bắt đầu hơi héo một chút trước mỗi lần tưới.
Đây là loại cây nhạy cảm với chlorine. Bạn hãy dùng nước đã khử chlorine hoặc bằng cách để nước ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ trước khi dùng.
3. Bón phân hợp lý
Ngoài nước và đặt cây trong nhà ở những nơi có ánh sáng gián tiếp thì cây lan ý không cần bổ sung nhiều phân bón. Tuy nhiên, nếu bạn muốn bón phân cho cây thì nên cẩn thận không bón quá nhiều.
Thay chậu cho cây hoa lan ý

Cây lan ý nên được thay chậu sau 1-2 năm trồng. Bạn nên thay chậu khi rễ cây đan chặt trên mặt đất, cây phát triển lớn hơn chậu hoặc lá chuyển sang màu vàng mà không rõ lý do.
Chậu mới cần lớn hơn chậu đang dùng, có đường kính lớn hơn khoảng 5 cm so với chậu cũ và phải có một hoặc nhiều lỗ thoát nước dưới đáy chậu.
Dùng hỗn hợp đất, lá mục, than bùn, phân hữu cơ và cát để thay chậu. Ngoài ra bạn có thể trộn thêm vào hỗn hợp đất trên vài viên đá nhỏ tăng sự thoát nước.
Bạn nhấc hoặc đào cây lan ý từ chậu cũ lên. Lấy đất từ chậu cũ đắp xung quanh cây trong chậu mới. Tiếp theo, bạn tưới nước cho cây và thêm đất vào khi nước đã nén đất trong chậu xuống. Khi hoàn thành, mặt đất trong chậu mới phải cách miệng chậu khoảng 1,5 đến 2,5 cm.
Tất nhiên, bạn nên chuẩn bị cây cọc để chống đỡ cho cây, giúp cây bám chắc, đứng thẳng trong chậu mới.
Cách nhân giống cây lan hoa ý
Cây hoa lan ý có khả năng sinh trưởng mạnh và lan bụi nhanh. Nên, thông thường chúng ta nhân giống cây lan hoa ý bằng cách tách bụi.
Phòng và chữa bệnh cho cây lan ý
1. Bệnh do thiếu hoặc thừa nước
Nếu đất khô kèm với lá cây héo úa, chuyển màu vàng và thân rũ xuống là dấu hiệu rõ rệt của thiết nước. Chữa bệnh bằng cách tưới và phun nước thường xuyên hơn, khoảng mỗi tuần một lần.
Nếu tưới quá nhiều nước, lá cây xuất hiện màu nâu ở đuôi lá. Ngoài ra, úng nước có thể dẫn đến thối rễ, một bệnh khác nghiêm trọng khác.
2. Bệnh thối rễ cây lan ý
Nếu bạn thấy cây lan ý ngày càng héo úa mặc dù ánh sáng và nước tưới vẫn đầy đủ thì có lẽ thủ phạm là bệnh thối rễ. Thối rễ cây xảy ra khi tưới quá nhiều hoặc chậu thoát nước kém. Bệnh thối rễ thường làm chết cây. Nhưng, nếu muốn cố chữa thì bạn nên nhanh chóng lấy cây ra khỏi chậu và cắt bỏ những phần rễ chết, phần thối rữa. Tiếp theo, bạn trồng lại cây vào một chậu mới với đất khô và thoát nước tốt hơn.
Xem thêm: Cây Vạn Niên Thanh, Cây Lưỡi Hổ, Cây Kim Tiền để trong nhà có tốt không?
Lời bình
Hoa lan ý để trong nhà làm đẹp không gian nội thất và lọc không khí nhưng lan ý cũng là cây có độc. Nên, bạn cần để cây ngoài tầm với của trẻ nhỏ và thú cưng khi trồng cây trong nhà.